GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4/2023
Cuốn sách: Người lính Điện Biên kể chuyện
- Mục đích giới thiệu: Giúp bạn đọc hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc từ đó giáo dục lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước và biết ơn những người có công với cách mạng…
- Đối tượng giới thiệu: Giáo viên và học sinh toàn trường
- Thời gian giới thiệu: Sáng thứ 2 (Ngày 17 /4/2023)
- Địa điểm: Trường THCS Gia Khánh
- Người viết nội dung: CBTV Nguyễn Thị Nhài
- Người trình bày nội dung: Nguyễn Thị Khánh Linh – 8A – tổ CTVTV
Kính thưa quý thầy cô cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Cầm trên tay cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện”, bồi hồi dạo bước trên những chiến tích xưa của chiến trường Điện Biên Phủ, thăm bảo tàng chiến thắng và thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang A1 mà lòng tôi như lắng lại. Qua lời kể của một người lính, nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn – một chiến sĩ của Trung đoàn 174, đánh đồi A1 tại Điện Biên Phủ năm 1954, được thể hiện bằng văn phong của nhà báo trẻ Kiều Mai Sơn, cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” gồm 21 mẩu chuyện là những câu chuyện mộc mạc, chân thực về những con người đã làm nên chiến thắng quyết định để giành lại độc lập, hòa bình cho Tổ quốc.
Để có được chiến thắng vẻ vang, bộ đội, dân công và các tầng lớp nhân dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ cùng vô vàn mất mát và hi sinh. Nhưng cũng chính sự hiểm nguy giữa cuộc chiến sinh tử mà tình đồng đội, đồng chí cũng được thể hiện chân thành, trong sáng và vô tư nhất. Và không chỉ có tình yêu thương giữa những con người cùng chung chiến tuyến; thầm lặng, sâu kín đâu đó là lòng thương cảm đầy nhân văn của anh bộ đội Cụ Hồ dành cho những thương binh và tù binh Pháp – đối thủ đã bị đánh bại…. Những câu chuyện được nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn kể lại khi tuổi đời đã ngoài 80, nhưng kí ức về những ngày đêm lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên. Ông chia sẻ:“Tôi không kể lịch sử chiến dịch, không kể về những diễn biến của chiến dịch, mà tôi kể những mẩu chuyện những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, đã sống
như thế nào trong 56 ngày đêm ấy”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lựa chọn cách “Đánh chắc, tiến chắc” thay cho “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Ở cách đánh này việc giao thông hào là chiến thuật chủ yếu, mỗi chiến sĩ một đêm phải đào 2m giao thông hào. Đại đội có 100 quân thì được khoán 200m một đêm. Chỉ huy De Castries của địch biết quân ta thông hào. Chúng dùng máy bay ném bom, tập trung đại bác, súng cối để cản phá việc đào hào. Đào trận địa cũng là cuộc chiến đấu ác liệt, dai dẳng và đẫm máu không kém gì những cuộc tiến công giáp lá cà giữa hai bên. Ban đêm quân ta đào hào ban ngày địch gài mìn vào đó. Đêm hôm sau ta đào tiếp, vừa bổ nhát cuốc xuống, tiếng mìn nổ khiến người lính hi sinh ngay tại chỗ. Đêm xuống, nghe thấy tiếng động lịch kịch, địch thả pháo sáng, thả đèn dù trên bầu trời khiến cả một vùng rõ như ban ngày. Rồi sẵn vị trí đã căn, súng cối và đại bác của địch nện vào khiến quân ta phải chịu thương vong. Sau một đêm đánh trận, sáng hôm sau trở về, đại đội có 100 người, hi sinh khoảng 20 người và khoảng 30 người bị thương. 100 suất cơm đành để nguyên một nửa không có người ăn. Nhưng người lính sống sót vừa mệt mỏi lại vừa thương bạn, nhiều người cũng bỏ ăn. Cơm nằm lăn lóc trên miệng hào. Anh nuôi ném mạnh con dao và nắm cơm đang cắt dở, nước mắt ràn rụa. Nấu cơm không thằng nào ăn thì nấu làm gì? Câu hỏi nghẹn ngào trong nước mắt ấy khiến anh nuôi có một quyết định nhanh chóng: "Tôi ra chiến đấu. Đằng nào anh nuôi cũng chết kia mà đằng nào anh nuôi cũng hi sinh kia mà thế mà vẫn mang tiếng chỉ nấu cơm thôi. Ra chiến đấu, tôi có chết cũng là chết với tư cách chiến sĩ, không phải chết với tư cách anh nuôi".
Còn nhiều và còn nhiều câu chuyện rất chân thật, rất con người. Hãy đọc và cảm nhận lòng quả cảm, ý chí sắt thép, sự thông minh sáng tạo và sự hy sinh vĩ đại của mỗi người lính.